Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngoài độc tính của virus thì yếu tố cá nhân cũng liên quan tới diễn biến của bệnh “Chẳng hạn như bệnh nhân 91 là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines, cao 1,83 m, nặng 100 kg, có biểu hiện béo phì, có thể là nhóm nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu khác”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ đã thấy rằng những người mắc béo phì có nguy cơ cao hơn mắc các biến chứng COVID-19. Hội Béo phì Thế giới ước tính tỷ lệ lớn người mắc COVID-19 sẽ có chỉ số BMI trên 25.
Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu Hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ Pháp về COVID-19, cho biết có tới 17 triệu người trên tổng số 67 triệu công dân Pháp (tức là khoảng hơn ¼ dân số) có nguy cơ mắc bệnh Corona virus vì tuổi tác, bệnh tật hoặc béo phì. “Loại virus này rất khủng khiếp, nó có thể tấn công những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người trẻ béo phì. Những người thừa cân cũng cần phải cẩn thận” ông nhấn mạnh.
Còn theo Giáo sư Stacy Brethauer-Nguyên chủ tịch hội chuyển hóa và phẫu thuật giảm cân Hoa Kỳ (ASMBS): Phần lớn bệnh nhân béo phì có ít nhất một bệnh đi kèm liên quan đến béo phì, trong đó đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch là những bệnh phổ biến nhất. Theo CDC, các bệnh tiềm ẩn khác bao gồm tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận mạn tính, ung thư hoặc có tiền sử ung thư và viêm khớp. Có một đặc điểm chung ở nhóm bệnh mạntính kể trên chính là những bệnh nhân đa số đều có quá cân - béo phì.
Tại sao những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc bệnh hô hấp nghiêm trọng?
Tỷ lệ mắc các vấn đề về hô hấp ở bệnh nhân béo phì cao hơn so với người cân nặng bình thường. Các tình trạng như hen suyễn, ngưng thở khi ngủ, bệnh phổi hạn chế và trào ngược dạ dày thực quản đều làm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp cơ bản của người quá cân - béo phì và có thể khiến họ tăng nguy cơ trở nặng khi nhiễm COVID-19. Không những thế những người béo phì có bệnh đi kèm làm tổn thương chức năng tim hoặc phổi, hoặc nhiều cơ quan khác cũng khiến họ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hơn bệnh với COVID-19.
Mặt khác, khi những người béo phì mắc COVID-19 trở nặng, việc điều trị hồi sức tích cực cũng khó khăn hơn do hơn do thủ thuật đặt nội khí quản, công tác chẩn đoán hình ảnh, và điều dưỡng cũng có thể gặp khó khăn.
Tuy nhiên với sự nỗ lực hết sức của Chính phủ, Ngành y tế, cùng với sự đồng lòng của toàn dân, chúng tôi hy vọng rằng COVID-19 sẽ bị đẩy lùi nhanh chóng.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/need-extra-precautions/groups-at-higher-risk.html
- https://www.worldobesity.org/news/statement-coronavirus-covid-19-obesity
- https://wexnermedical.osu.edu/blog/why-is-obesity-a-risk-factor-for-severe-covid19-symptoms
- https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-france-confinement-idUSKBN21Q0S7
- https://thanhnien.vn/thoi-su/thu-truong-y-te-benh-nhan-91-tro-nang-co-the-do-thua-can-1209084.html