Một số trường hợp sinh non ở phụ nữ có thai mắc COVID-19 cũng đã được báo cáo ở Trung Quốc và cần nhiều nghiên cứu để làm rõ hơn. Việc mắc bệnh lúc này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trinh sinh đẻ, chăm sóc người mẹ và đứa trẻ sau khi sinh, vì vậy phụ nữ mang thai được xếp vào nhóm nên thận trọng, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc coronavirus trong thời kỳ thai sản.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp dự phòng, việc tiếp tục khám, điều trị và theo dõi suốt thời kỳ mang thai là việc cực kỳ cần thiết để đảm bảo sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi. Làm thế nào để phụ nữ có thai có thể tiếp tục theo dõi thai kỳ của mình đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19? Câu trả lời chính là telehealth hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa.
Telehealth là hình thức khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe dựa trên nên tảng công nghệ số. Bạn có thể dễ dàng kết nối với bác sĩ bằng điện thoại thông minh hay máy tính của mình thông qua gọi video trực tuyến. Lịch khám, các kết quả khám sức khỏe, kết quả xét nghiệm và các thông tin cần thiết cũng có thể được lưu trữ và trao đổi dễ dàng giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ngoài ra telehealth cũng có thể đóng vai trò kết nối giữa các bệnh viện, trung tâm phòng bệnh để hỗ trợ bệnh nhân.
Việc đến khám trực tiếp là cần thiết trong trường hợp cần làm siêu âm, xét nghiệm, tiêm phòng vacxin. Tuy vậy phần lớn việc thăm khám là dùng để giáo dục bệnh nhân, giải đáp các thắc mắc, theo dõi dấu hiệu sinh tồn của mẹ và thai nhi, đo lường các so đo vòng bụng… hoàn toàn có thể hướng dẫn và thực hiện được tại nhà qua telehealth. Các lợi ích khác của telehealth bao gồm:
- Theo dõi sức khỏe chung trước sinh
- Hướng dẫn đo đường huyết, theo dõi huyết áp tại nhà
- Tư vấn cho con bú, biến chứng và các vấn đề liên quan
- Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bà mẹ
- Kết nối, tư vấn giữa chuyên gia và nhân viên y tế địa phương nơi bạn sinh sống
- Chăm sóc sau khi sinh như cho con bú, biện pháp tránh thai, tư vấn mang thai, bệnh lý đi kèm…
- Tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại
Telehealth hiện đang là xu thế ở nhiều quốc gia trên thế giới. WHO nhận định để tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ, chăm sóc sức khỏe từ xa nên là một hình mẫu thay thế cho các dịch vụ lâm sàng và hỗ trợ các quyết định lâm sàng. Với tình hình dịch bệnh đang leo thang ở nhiều nơi, nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ khi nào, các bà mẹ nên thảo luận với bác sĩ và sử dụng Telehealth một cách hợp lý để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, đồng thời không làm gián đoạn việc theo dõi sức khỏe của mình và thai nhi.
Tham khảo:
https://www.kff.org/womens-health-policy/issue-brief/telemedicine-and-pregnancy-care/