Giải pháp cho người đái tháo đường mùa dịch COVID-19

Telehealth hay chăm sóc sức khỏe từ xa không chỉ là phương tiện có ích đối với người bệnh đái tháo đường Việt Nam trong giai đoạn COVID-19 hiện tại, mà còn đóng góp rất nhiều trong việc thực hiện thành công chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta.
Giải pháp cho người đái tháo đường mùa dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 vẫn đang leo thang, với số ca nhiễm và số ca tử vong liên tục tăng trên toàn cầu. Ở các quốc gia có số ca mắc kỷ lục như Italia hay Hoa Kỳ, hệ thống y tế có nguy cơ trở nên quá tải, các nhân viên y tế phải làm việc liên tục không ngừng nghỉ trong nhiều giờ, cùng với sự thiếu thốn vật tư y tế như máy thở, khẩu trang y tế, dụng cụ bảo hộ… gián tiếp làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong.

Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, các cơ quan chức năng đã ban hành hiệu lệnh cách ly xã hội để kiểm soát dịch COVID-19. Người dân được khuyến cáo ở nhà, không đi ra ngoài trừ những trường hợp thật sự cần thiết (1).

Trong bối cảnh đó, một số bệnh viện và phòng khám tư nhân phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động xuống mức tối thiểu, thì telehealth – hay còn gọi là chăm sóc sức khỏe từ xa đang nổi lên như là biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của các bệnh nhân, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm gánh nặng cho các bệnh viện. Tổ chức Y tế thể giới – WHO đề cập chăm sóc sức khỏe từ xa là một trong những dịch vụ thiết yếu để ‘’Tăng cường cho Hệ thống y tế phản ứng với COVID-19“. Bệnh nhân được khuyến khích sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa bao gồm các bệnh mạn tính như đái tháo đường, trừ những trường hợp nặng cần nhập viện và các trường hợp cấp cứu.

Bệnh đái tháo đường làm cho hệ thống miễn dịch suy giảm, nên những bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong có thể cao hơn so với nhóm dân số chung (2).

Đối với việc chăm sóc cho bệnh nhân đái tháo đường, ví dụ bệnh ĐTĐ type 1, hầu như không có gì không thể thực hiện từ xa. Thậm chí chẳng cần dịch bệnh thúc đẩy, nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường tại Mỹ yêu thích các cuộc hẹn trực tuyến với bác sĩ hơn bởi chúng giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời giảm các nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm khi đi khám bệnh tại các bệnh viện.

Tại Hoa Kỳ, các bác sĩ chủ động chuyển các cuộc hẹn tái khám sang hình thức trực tuyến thông qua các thiết bị như máy tính hay điện thoại thông minh. Tại Trung tâm Đái tháo đường Joslin ở Boston cũng khuyến khích bệnh nhân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa thay vì đến viện nếu không phải trường hợp cấp cứu (3). Các dữ liệu quan trọng của bệnh nhân từ kết quả thăm khám, kết quả các xét nghiệm hay đơn thuốc đều được tích hợp trên hệ thống điện tử, đi kèm với các tiện ích như thanh toán trực tuyến. Đây hứa hẹn là xu hướng thay đổi ở thời điểm hiện nay và trong tương lai.

Và chúng tôi chắc chắn rằng, telehealth không chỉ là phương tiện có ích đối với người bệnh đái tháo đường Việt Nam trong giai đoạn COVID 19 hiện tại, mà còn đóng góp rất nhiều trong việc thực hiện thành công chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta.

Tham khảo

  1. http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Huong-dan-thuc-hien-Chi-thi-16CTTTg-ve-cach-ly-xa-hoi/391972.vgp
  2. https://www.diabetes.org/coronavirus-covid-19/how-coronavirus-impacts-people-with-diabetes
  3. https://www.joslin.org/about/news-media/joslin-updates-clinical-operations-and-covid-19

 

 

Phòng khám ABClinic

(*) Trừ thứ 4 hàng tuần tại KKB, BV ĐH Y Hà nội