Giảm cân cùng Matcha

Bột Matcha và bột trà xanh đều có nguồn gốc từ cây trà tuy nhiên quy trình trồng trọt và chế biến lại khác biệt hoàn toàn
Giảm cân cùng Matcha

Khi búp trà nhú ra, không giống cách trồng trà xanh truyền thống, toàn bộ vườn trà được che chắn nhằm điều tiết quá trình quang hợp trong khoảng 2 – 3 tuần. Điều này làm chậm quá trình sinh trưởng của lá trà do vậy làm tăng hàm lượng chất diệp lục, vitamin và khoáng chất trong Matcha hơn 3 - 5 lần so với lá trà thường.

Matcha làm giảm cân?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng một ly Matcha hàng ngày giúp tăng chuyển hóa năng lượng, theo đó có tác động tích cực tới việc giảm cân. Hơn nữa, Matcha cung cấp lượng caffein thấp hơn café nhưng đủ mạnh để giúp bạn tỉnh táo. Matcha cũng là nguyên liệu chứa thành phần cao các chất (Flavonoid và L-theanine) giúp thư giãn trí não do làm tăng sản xuất hóc môn “vui vẻ” của cơ thể (Serotonin, GABA và dopamine). Do đó, trước khi bước vào một kỳ thi, các chuyên gia thường khuyên dành thời gian nhấm nháp một ly Matcha thay vì ngồi căng thẳng “đếm” lại kiến thức. Một đặc điểm khác giúp Matcha nổi bật là giàu chống oxi hóa (Catechins). Matcha nằm trong danh sách thực phẩm giàu chất chống oxy hóa nhất ngày nay [Thông qua kiểm tra khả năng hấp thụ oxy gốc (ORAC - Oxygen Radical Absorption Capacity)] .

Tác động của Matcha tới cân nặng

Hầu hết các nghiên cứu ngày nay tập trung vào tác dụng của trà xanh và cân nặng nhưng do Matcha và trà xanh có cùng nguồn gốc và thành phần các chất nên đều cho tác dụng tương tự.

Bạn có biết là hầu hết các thực phẩm chức năng giảm cân ngày nay đều có dòng chữ “chiết xuất trà xanh" ở phần nguyên liệu? Trà xanh được biết đến với khả năng giảm cân do làm tăng chuyển hóa để tăng năng lượng tiêu hao và được mệnh danh là “Kẻ thù của chất béo”.

Kết quả từ một nghiên cứu nhỏ cho thấy sử dụng tinh chất trà xanh kết hợp cùng luyện tập thể thao thường xuyên giúp tăng tiêu hao chất béo lên 17% so với những người không sử dụng tinh chất trà xanh và luyện tập thể thao. Kết quả từ một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng thực phẩm chứa tinh chất trà xanh tăng đáng kể năng lượng tiêu hao trong vòng 24 giờ, so với những người không sử dụng và sử dụng giả dược. Hơn nữa, kết quả từ một nghiên cứu tổng quan hệ thống cho thấy, trà xanh không những giúp giảm cân mà còn giúp duy trì cân nặng đã giảm.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: Ăn đa dạng, cân đối các chất và ăn với lượng vừa phải là chìa khóa để có cuộc sống khỏe mạnh. Mặc dù Matcha mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tiêu thụ càng nhiều Matcha sẽ càng đem lại nhiều lợi ích. Sử dụng nhiều hơn 6 cốc trà xanh hàng ngày có tác động tiêu cực tới chức năng gan, cảm xúc, gây thiếu máu,... . Điều này đồng nghĩa với việc bạn không nên sử dụng quá 2 cốc Matcha mỗi ngày do cùng một lượng Matcha sẽ chứa thành phần các chất nhiều hơn gấp 3 lần so với trà xanh. Ngoài ra, Matcha cũng có thể bị nhiễm với các chất độc như thuốc trừ sâu, hóa chất gây tác động xấu tới sức khỏe lâu dài, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Cách chế biến Matcha

Không những Matcha có nhiều tác dụng tốt tới sức khỏe mà cách chế biến Matcha lại vô cùng đơn giản.

Cách chế biến Matcha đơn giản nhất là hòa 1 - 2 thìa café matcha (2 - 4g) với khoảng 60 ml nước nóng và khuấy với que tre cho tới khi bột tan hết là bạn đã có một ly trà Matcha thơm ngon. Bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ bột matcha và nước tùy theo khẩu vị của từng người.

Matcha cũng là nguyên liệu “linh hoạt” để sáng tạo các món từ thức uống tới đồ ăn như Matcha latte, thạch Matcha, sinh tố Matcha, kem Matcha,...

Kết luận

Matcha được sản xuất từ cùng một loại cây giống trà xanh nhưng do quá trình trồng trọt và chăm bón khác nhau nên Matcha chứa chất chống oxi hóa và các chất có lợi cho cơ thể nhiều hơn so với trà xanh.

Matcha có tác động tới việc giảm cân và duy trì cân nặng đã giảm.

Matcha rất dễ chế biến với nhiều công thức đa dạng khác nhau.

Tài liệu tham khảo

1. Weiss D.J. và Anderton C.R. (2003). Determination of catechins in matcha green tea by micellar electrokinetic chromatography. J Chromatogr A, 1011(1–2), 173–180.

2. Venables M.C., Hulston C.J., Cox H.R. và cộng sự. (2008). Green tea extract ingestion, fat oxidation, and glucose tolerance in healthy humans. Am J Clin Nutr, 87(3), 778–784.

3. Bérubé-Parent S., Pelletier C., Doré J. và cộng sự. (2005). Effects of encapsulated green tea and Guarana extracts containing a mixture of epigallocatechin-3-gallate and caffeine on 24 h energy expenditure and fat oxidation in men. Br J Nutr, 94(3), 432–436.

4. Hursel R., Viechtbauer W., và Westerterp-Plantenga M.S. (2009). The effects of green tea on weight loss and weight maintenance: a meta-analysis. Int J Obes (Lond), 33(9), 956–961.

5. Mania M., Szynal T., Rebeniak M. và cộng sự. (2014). Human exposure asseessment to different arsenic species in tea. Rocz Panstw Zakl Hig, 65(4), 281–286.

6. Jimenez-Saenz M. và Martinez-Sanchez M.D.C. (2006). Acute hepatitis associated with the use of green tea infusions. J Hepatol, 44(3), 616–617.

 

Phòng khám ABClinic

(*) Trừ thứ 4 hàng tuần tại KKB, BV ĐH Y Hà nội